"Hạt vàng" giá trị tỷ USD đó chính là cà phê.
“Ngành cà phê Việt Nam có thể đem về lợi nhuận khoảng 20 tỷ USD/năm nếu chúng ta biết cách làm tốt hơn hiện nay cũng như xây dựng được một chiến lược quốc gia về phát triển ngành cà phê” - Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ chia sể cách đây hơn 10 năm tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Tin vui mới nhận được: Trong 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt 3,8 tỷ USD, tăng hơn 51% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức tăng giá cao nhất trong nhóm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hiện nay.
Điều này tương đương với việc cứ mỗi phút, cà phê Việt Nam xuất khẩu thu về khoảng 21.991 USD (khoảng 584 triệu VND/phút, với tỷ giá 1 USD ≈ 26.550 VND).
Ảnh minh họa về hạt cà phê.
Cà phê là một trong những ngành hàng xuất khẩu quan trọng nhất của nông nghiệp Việt Nam. Nặng 0,15 gram đến 0,2 gram sau khi rang, hạt cà phê đang đứng trước tương lai hứa hẹn mang về lợi nhuận chục tỷ đô như lời ông Đặng Lê Nguyên Vũ chia sẻ.
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế, Việt Nam dẫn đầu toàn cầu về sản lượng cà phê Robusta. Nhưng như "gã khổng lồ" về thông tin thị trường tài chính Mỹ Bloomberg thông tin, “giá trị và tính linh hoạt của cà phê Robusta không phải lúc nào cũng được phản ánh đúng trong giá giao dịch của nó, vốn thường thấp hơn so với Arabica”.
Vậy làm sao để thay đổi nhận thức của thế giới rằng cà phê không chỉ là Arabica mà còn là Robusta? Hay "thức tỉnh" hạt cà phê "Made in Vietnam" rực rỡ như thước phim “Trung Nguyên Legend’s Vision for Vietnamese Coffee – The Robusta Awakening” (Thức tỉnh hạt cà phê Robusta – Tầm nhìn của Trung Nguyên Legend cho ngành cà phê Việt Nam) mà Bloomberg TV lần đầu tiên phát sóng về cà phê Robusta Việt Nam những ngày cuối tháng 9/2024?
Cà phê Robusta Việt Nam: Thức tỉnh giấc mơ tỷ đô
Trung Nguyên Legend đã thực hiện nhiều sáng kiến chiến lược để “thức tỉnh” hạt cà phê Robusta, nâng cao giá trị và định vị cà phê Việt Nam, trên bản đồ thế giới. thông qua việc phát triển các sản phẩm cao cấp (G7, G7 Gold, cà phê Thiền), xây dựng hệ sinh thái văn hóa cà phê (Bảo tàng Cà phê Thế giới, Trung Nguyên E-Coffee, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột), hợp tác với truyền thông quốc tế (Discovery Channel, Bloomberg, CNN)...
Những nỗ lực này không chỉ nâng cao giá trị kinh tế của Robusta mà còn định vị cà phê Việt Nam như một biểu tượng văn hóa và phong cách sống trên toàn cầu, hướng đến mục tiêu tầm nhìn 20 tỷ USD.
Quan trọng hơn cả, tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk – thủ phủ sản xuất cà phê Robusta lớn nhất Việt Nam – Trung Nguyên Legend đã hợp tác với nông dân tại đây (cùng các vùng trồng cà phê khác như như Gia Lai, Đắk Nông, và Lâm Đồng) để nâng cao chất lượng hạt Robusta, đảm bảo tính bền vững và giá trị kinh tế lâu dài.
Không chỉ chọn lọc các giống Robusta chất lượng cao và áp dụng công nghệ chế biến tiên tiến để nâng cao hương vị và giá trị của hạt cà phê, Trung Nguyên Legend khuyến khích nông dân áp dụng các phương pháp canh tác bền vững, như sử dụng phân bón hữu cơ, giảm thiểu hóa chất, và bảo vệ môi trường đất và nước - đây là một trong những yếu tố góp phần đưa cà phê Việt chinh phục các thị trường khó tính vốn có yêu cầu truy xuất nguồn gốc chặt chẽ.
Đây là những tín hiệu lạc quan của ngành cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu lợi nhuận chục tỷ đô, phát triển bền vững thôi chưa đủ, Việt Nam chúng ta cần nâng cao giá trị cà phê hơn nữa thông qua bí quyết "3 chữ" đó là Chế Biến Sâu (rang xay, hòa tan). Bởi giá xuất khẩu trung bình của cà phê chế biến sâu của Việt Nam cao hơn hẳn so với cà phê nhân sống. Lấy ví dụ năm 2024 cao gấp 2,23 lần.
Ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends cho biết: "Năm 2024, cà phê nhân sống chiếm khoảng 90,4% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam, giảm nhẹ so với mức 91,2% vào năm 2022. Ngược lại, tỷ trọng cà phê chế biến sâu đã có sự gia tăng đáng kể, từ 8,8% năm 2022 lên 9,6% vào năm 2024, phản ánh xu hướng nâng cao giá trị sản phẩm trong ngành xuất khẩu cà phê Việt Nam".
Có thể thấy, chế biến sâu chính là chìa khóa giúp cà phê Việt nâng cao giá trị, khẳng định thương hiệu và vững vàng trên bản đồ thị trường cà phê toàn cầu.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (dẫn từ Bloomberg, 27/9/2024), giá Robusta năm 2024 đạt hơn 5.000 USD/tấn, có lúc vượt 6.000 USD/tấn, tăng đáng kể từ mức 2.225 USD/tấn, phản ánh hiệu quả của các nỗ lực này.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, xuất khẩu cà phê của nước ta tháng 3/2025 ước đạt 200.000 tấn, tương ứng 1,16 tỷ USD.
Không chỉ là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về sản lượng cà phê Robusta, Việt Nam còn là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Brazil, với thị phần chiếm 19% tổng cung toàn cầu, sang 90 quốc gia khắp thế giới.
Năm 2024, ngành cà phê mang về 5,48 tỷ USD, đóng góp 8,7% vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, chỉ xếp sau gỗ và sản phẩm gỗ, rau quả và gạo.
Quay lại với bộ phim tài liệu của Bloomberg TV. Với thời lượng chỉ 3 phút nhưng bộ phim đủ gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả quốc tế về thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột bừng năng lượng cùng tầm nhìn 20 tỷ USD của Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ nhằm biến cà phê Robusta Việt Nam thành “sản phẩm, trải nghiệm và phong cách sống” được công nhận toàn cầu.
Việc thay đổi nhận thức của thế giới rằng cà phê không chỉ là Arabica mà còn là Robusta chắc chắn sẽ là một hành trình dài phía trước. Trong hành trình ấy, mỗi điểm sáng, mỗi sự nỗ lực đều rất đáng trân trọng. Bởi Robusta là một trong những sản phẩm tiên phong trong chiến lược xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, phù hợp với tầm nhìn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về xuất khẩu nông sản đạt 70 tỷ USD vào năm 2025.
[Bloomberg LP là công ty hàng đầu thế giới của Mỹ về thông tin thị trường tài chính; nổi tiếng với Bloomberg Terminal, các dịch vụ tin tức như Bloomberg News, Bloomberg Television, Bloomberg Radio].